Tin tức

THUẾ TỐI THIỂU TOÀN CẦU – MỘT SỐ TÁC ĐỘNG TỚI MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ, KINH DOANH TẠI VIỆT NAM

 

Thuế tối thiểu toàn cầu đang là vấn đề nhận được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các quốc gia nhận đầu tư trong đó có Việt Nam. Là điểm đến của nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam được nhận định là sẽ chịu tác động đáng kể từ việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, đặc biệt là trong công tác xúc tiến, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư nước ngoài.

Sáng 29/11, với trên 93,5% đại biểu tán thành, Quốc hội nước Công hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã biểu quyết thông qua Nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu) và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.

Vậy thuế tối thiểu toàn cầu là gì?

Thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (gọi tắt là Thuế tối thiểu toàn cầu) là một trong hai trụ cột chính của Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (Base erosion and profit shifting - BEPS) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng vào tháng 6/2013. Mức thuế tối thiểu toàn cầu được quy định là 15%, áp dụng đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 750 triệu EUR (800 triệu USD) trong ít nhất hai năm của bốn năm liền kề gần nhất. Trên cơ sở của BEPS, năm 2016, Công ước đa biên về thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa xói mòn cơ sở tính thuế và dịch chuyển lợi nhuận (MLI) đã được xây dựng và thu hút sự tham gia của 141 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Australia… và mới đây nhất là Việt Nam sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu 15%, bắt đầu từ năm 2024.

Những tác động tích cực do việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam

ü  Góp phần hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế hay chuyển giá… của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam;

ü  Giúp ngăn chặn “cuộc đua xuống đáy” về thuế suất ưu đãi nhằm cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các quốc gia;

ü  Giúp Việt Nam có thêm một khoản thu ngân sách nhất định, đồng thời có thêm nguồn lực để thực hiện những hỗ trợ dưới các hình thức khác (cơ sở hạ tầng, bồi dưỡng nhân lực...) nhằm bù đắp cho các nhà đầu tư phải chịu mức thuế tối thiểu này.

Bên cạnh đó, việc áp dụng thuế tiêu thụ toàn cầu còn góp phần:

ü  Tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam;

ü  Cải cách hệ thống thuế của Việt Nam theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế cũng như hoàn thiện khung pháp lý về thuế của Việt Nam và thúc đẩy sửa đổi chính sách thu hút FDI của Việt Nam theo hướng giảm ưu đãi về thuế, tăng cường cạnh tranh bằng môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, nhân lực;

ü  Cải thiện hình ảnh của Việt Nam trong mắt các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài.

Những tác động thách thức do việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam

Thách thức trong duy trì tính hấp dẫn, cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài;

Thách thức đối với việc cụ thể hóa những chiến lược có liên quan;

Thách thức trong cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam trong ngắn hạn, bởi chính sách ưu đãi thuế không còn tác dụng và sức cạnh tranh trong thu hút FDI của Việt Nam có thể bị giảm sút do những thay đổi của chính sách thuế.

Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể phát sinh một số bất đồng, tranh chấp với một số đối tác, từ đó phần nào ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, khi áp dụng có thể phát sinh một số chi phí cải cách hệ thống quản lý thuế, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư và tiến độ triển khai phụ thuộc vào năng lực quản lý của các bộ, ngành, địa phương liên quan…

(Theo nguồn tổng hợp)

Tin mới hơn

Tin cũ hơn